Tản mạn về Nghiệp “Quật”

Có những lúc con người tỉnh táo, trí tuệ minh mẫn, ngồi một mình luyện phương pháp hít thở hưởng thụ cảm giác bình an. Những lúc ấy, nhìn thấy thân mình như một khối cầu năng màu trắng tinh khôi và hiền hòa. Thỉnh thoảng xuất hiện những điểm mà năng lượng gợn trên bề mặt của quả cầu ấy, biết đó là những gợn “tạp niệm” liền quán cho nó lặng đi để có thể tiếp tục TĨNH và tiếp tục ngắm nhìn quả cầu – ngắm nhìn chính mình.

Cũng có những lúc khi bắt đầu vào hít thở và thiền định thì xuất hiện rất nhiều dư ảnh ngay trước mắt dù mắt đã nhắm lại. Mỗi dư ảnh ta biết rằng nó nhiều hơn một niệm và nó là những câu chuyện sẽ cuốn tâm trí ta đi theo nếu cố gắng nhìn vào một dư ảnh nào đó. Có thời điểm được thường xuyên tập luyện, thì những dư ảnh sẽ mau chóng chuyển từ nhiều sang ít, chuyển từ rõ ràng sang mờ nhạt và rồi không còn nữa. Quả cầu sẽ xuất hiện sau đó không lâu và cảm giác thư thái, thoải mái, bình an sẽ lại đến. 

Cũng có những thời điểm, tâm trí rối bời, nhìn thấy dư ảnh nào là tâm liền bị cuốn theo dư ảnh đó. Có lúc cảm thấy như tâm trí này chia ra theo 4 phương, 8 hướng để đuổi theo các câu chuyện trong dư ảnh. Có những dư ảnh và câu chuyện của nó sẽ lại tái hiện như một bài game ô chữ sẽ chỉ tự biến mất đi khi được GIẢI xong.

Bài viết này là nhằm để Cương giải tỏa và “xóa” một vài dư ảnh mà vì lỡ gặp, lỡ để tâm rồi nên nó cứ đeo đuổi mãi. Sẵn tiện chia sẻ vài hiểu biết của mình về Phật Pháp mà tạm lấy chủ đề là tản mạn về nghiệp.

Dư ảnh #1:  Sự hiểu đúng về Nghiệp và Nghiệp Quật

Nghiệp là gì?

Cương để ý thấy bây giờ có rất nhiều người, ở mọi lứa tuổi và mọi ngành nghề thường luôn miệng nói về “Nghiệp, ví dụ như Nghiệp quậtKhẩu NghiệpĐổ NghiệpTrả Nghiệp, v.v. Nói chung là đại đa số đều hiểu theo kiểu “Nghiệp” là xấu, là cái được ví như chủ nợ mà khi đến đòi chỉ còn cách trả mà không thể trốn. Thực ra cách hiểu về “Nghiệp” như vậy là đúng nhưng chưa đủ.

Theo giáo lý Phật, “Nghiệp” là từ chỉ CHUNG về các hành vi tạo tác do Thân, Khẩu, Ý mà thành và tạo ra mọi quả báo trong Ba cõi sáu đường[1]. Và Nghiệp sẽ chia thành Nghiệp lành và Nghiệp ác. Và với mỗi đường lành và đường ác lại chia thành Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp.

Nghiệp lành và Nghiệp ác

Như vậy với định nghĩa Nghiệp bên trên thì bất cứ những gì ta làm xuất phát từ Thân ta (hành động) – Miệng ta (nói ra) – Tâm ý ta (điều khiển) đều tạo thành Nghiệp. 

Nếu miệng ta nói lời hay, ý đẹp và ta biết lựa cách để nói, lựa nơi để nói, lựa thời điểm để nói thì những lời nói đó dễ được sự cảm mến. Từ lời nói của ta, những người nghe ta sau đó có thể giúp đỡ và mang lại giá trị cho con người hay các chúng sanh khác theo hướng tích cực thì đó chính là ta hình thành nên Nghiệp lành.

Ngược lại, nếu tâm ý ta mang sự vụ lợi, vì một mục đích xấu mà xúi giục người khác làm điều ác, hại đến người khác hay chúng sanh khác thì chính là ta đã hình thành nên Nghiệp ác.

Cộng nghiệp và Biệt nghiệp

Nếu dùng từ Hán-Việt như Cộng nghiệp và Biệt nghiệp có phần khó hiểu thì các bạn có thể hiểu theo nghĩa thuần Việt là Nghiệp chung và Nghiệp riêng. Để giải thích về Cộng nghiệp và Biệt nghiệp chắc là sẽ không có gì điển hình và tiêu biểu bằng việc dẫn lại cậu nói “Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”.

Nếu hỏi đa số các bạn trẻ về câu nói trên thì chắc đa phần sẽ hiểu theo kiểu Cause & Effect tức là thuần nguyên nhân và hệ quả. Các bạn sẽ hiểu rằng chính vì “đời cha” trong câu nói trên đã làm những gì đó (hàm ý tiêu cực) như “ăn mặn” khiến cho “đời con” phải gánh chịu hậu quả cụ thể là “Nghiệp” khát nước”.

Thực tế cho thấy, Xã hội ngày nay có rất nhiều bạn trẻ oán giận cha mẹ mình đã sinh ra mình không được như bao bạn bè. Có bạn đổ lỗi cho cha mẹ chỉ biết suốt ngày chân lấm tay bùn và không lo được cho các bạn được bằng các bạn bè cùng trang lứa khác. 

Với giáo lý Phật, nếu chỉ nhìn cái quả “khát nước” trước mắt để xét thì sẽ không đủ và cần suy xét thấu đáo hơn.

Đạo Phật vẫn cho rằng có sự Luân hồi[2], Nghiệp cũng đi theo ta từ nhiều đời nhiều kiếp trước. Vậy nên khi chúng ta xét mình như “đời con” thì nên hiểu là vì chúng ta đã làm điều gì đó trước đây tương đương với việc “ăn mặn”, và điều đó tạo tác thành Nghiệp “khát nước” của chính chúng ta từ lâu. “Đời cha” ở một đời kiếp nào đó, cũng đã làm gì đó tương đương với “ăn mặn” và Nghiệp “khát nước” cũng đã được thành. 

Ở một giai đoạn nào đó trong quá trình “du hành” qua các cõi thì “đời cha” và “đời con” gặp nhau và  Nghiệp “khát nước” là một phần “chất dẫn” và ĐÓ CHÍNH LÀ NGHIỆP CHUNG. Trong suốt thời gian (kiếp người) làm cha và con, bản thân người cha ngoài Nghiệp khát nước ra có thể còn có nhiều Nghiệp khác mà mà người con không có, ĐÓ CHÍNH LÀ NGHIỆP RIÊNG.

Mở rộng ra, chúng ta có đều là người Việt Nam là Nghiệp chung. Tuy nhiên, ở cùng một quốc gia nhưng có người có cuộc sống tốt có người thì không, đó chính là do Nghiệp riêng của mỗi người khác nhau.

Dư ảnh #2: Nên tránh: Đạo Phật là phương tiện

Không biết là ngẫu nhiên hay trùng hợp, từ dạo chú Vũ nổi lên với vụ tranh chấp tài sản hậu ly hôn và vào núi để “tu tiên” thì rất nhiều người học cao bắt đầu “nói” giáo lý Phật. Xu hướng này ngày càng cao và tần suất xuất hiện ngày càng nhiều ở các nhân vật tri thức và giới trẻ. Điều này dễ hiểu vì Đạo Phật vốn là biểu tượng của sự giản dị, không THAM – SÂN – SI – MẠN – NGHI[3], sự cho đi giá trị vô điều kiện… nên mượn hình ảnh đó làm phương tiện cũng dễ hiểu, nhưng liệu đây có phải là điều tốt?

Cương lấy ví dụ về một ông anh mà mình có dịp đồng hành là người rất giỏi trong lĩnh vực về tài chính và hiện đang kiếm được rất nhiều tiền từ các kênh đầu tư khác nhau. Có lần trong lúc ngồi tán dóc thì mọi người thấy trong bóp của anh có vài cuốn kinh Phật mà khi hỏi thì anh cho biết mình tín ngưỡng Đạo Phật. Mọi người sau đó có trao đổi về Đạo Phật. Có điều, ở một chi tiết tiếp theo mình biết là anh không hiểu về giáo lý Phật, cụ thể là không hiểu Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp. Mình cũng cho là anh cũng không biết nội dung các cuốn kinh Phật kia là gì và thường được trì tụng thế nào. Đây là không phải là phán xét, mà chỉ là một sự nhận biết thông thường về hiện tượng “như chơn như thật”. Cương cũng không qua đó đánh giá hay nhận xét gì về ông anh của mình mà Cương vẫn rất tôn trọng ảnh và vẫn luôn muốn học hỏi từ ảnh nhiều hơn nữa về mặt tài chính.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Liệu có phải giáo lý Phật và Đạo Phật đang được sử dụng như một “phương tiện” để tiếp cận đối tác hay khách hàng tiềm năng?

“Phương tiện” vốn là từ mà Phật Giáo không lạ và thường dùng để mô tả về các sự việc như Cúng Sao, Cầu Siêu, Cầu An, v.v. Những điều không thuộc giáo lý Phật nguyên thủy, nhưng lại được chúng sanh tiếp nhận và tin vào, nên Đạo Phật dùng đó như phương tiện để tiếp cận chúng sanh và gieo duyên.
Nếu chúng sanh làm điều ngược lại, dùng Đạo Phật và Giáo lý Phật như một phương tiện để tiếp cận đối tác, khách hàng hay vì mục đích nào khác thì có đúng hay sai?

Trước hết đúng hay sai do tự mỗi chúng ta quyết định. Nghiệp do chúng ta tạo tác thì quả báo lành hay ác là do chúng ta nhận. Không ai ban phước hay giáng tội ta khi làm đúng hay làm sai cả. Phật không tạo ra Nghiệp và Ngài cũng không “ở không” để canh ban phước hay giáng tội xuống một ai. Nghiệp là thứ tồn tại ở đó, vận hành trong vũ trụ theo một giải thuật mà trí tuệ của Phật cũng không giải thích được. Tìm hiểu thêm về “bất khả tư nghì”[4] để hiểu thêm về phần này.

Vậy, việc dùng Đạo Phật và Giáo lý Phật như một phương tiện sẽ là ĐÚNG NẾU mục đích cuối cùng không phải là điều sai trái, điều ác. Và nếu bạn làm điều này, hãy cố gắng làm sao điều bạn truyền đạt đúng và đủ so với Pháp của Phật, không thêm bớt hay xuyên tạc. Tuyên truyền chánh Pháp cũng là điều mang lại công đức vô lượng cho mỗi chúng sanh.

Kết và ngẫm: Chúng ta có phải là đồng nghiệp?

Trong lúc tìm tài liệu để kiểm chứng và bổ sung cho bài viết được đủ đầy thì Cương đọc được một mẫu truyện ngắn khá hay và đáng suy ngẫm. Bản thân Cương thì thấy mẩu truyện khá giống với chủ đề Nghề chia sẻ nên dẫn lại để các “đồng nghiệp” cùng đọc. Chúng ta liệu có phải là “đồng nghiệp”? Hãy đọc mẫu truyện bên dưới rồi cho Cương biết nha.

Ở Mỹ có một vũ nữ và một người ăn xin tình cờ gặp nhau, để lại một câu chuyện cho người khác thỉnh thoảng nhắc đến. Một lần, trên đường từ vũ trường về, vũ nữ gặp một ông lão ngồi bên đường. “Sao lại có người bất hạnh đáng thương thế này!”, nghĩ vậy vũ nữ chia sẻ với ông lão ít tiền cô có được. Hành động tốt đẹp của cô đã được phản hồi tức thì. Ông lão ngẩng đầu lên nhìn nhà hảo tâm, nói: “Cám ơn cô. Cô thật tốt bụng. Cầu Chúa ban phước lành cho cô!”.

Vũ nữ mỉm cười tiếp tục đi về. Hôm sau, trên đường về, tại một nơi khác vũ nữ lại gặp một người ăn xin. Ông lão này trông còn thảm thương hơn nữa. Xúc động trước những mảnh đời bất hạnh, cô lại biếu cho ông lão ít tiền. Thế rồi ông lão ngẩng lên cảm tạ người hảo tâm. Trong một thoáng, nghe giọng nói cô nhận ra được đây cũng là ông lão hôm qua.

Cô hỏi: “Ông đấy à! Sao hôm nay ông lại hóa trang cho khác đi?”. Ông già đáp: “Tôi phải làm thế thì người ta mới động lòng. Cô thông cảm nhé.”. Thế rồi ông hỏi cô đi đâu về. Cô đáp là mới từ vũ trường về, mỗi ngày đều đến đó nhảy múa giúp vui cho mọi người… Bấy giờ ông lão chợt móc nón lấy số tiền cô đã cho gởi trả lại. Cô gái ngạc nhiên: “Sao ông làm thế? Cháu ngại quá.”. Người ăn xin trả lời: “Chúng tôi có một nguyên tắc là không bao giờ xin của người cùng nghề. Cô làm vũ nữ cũng như tôi làm kẻ ăn xin, đều phải hóa trang và làm những điệu bộ cho mọi người vui lòng móc túi ra. Chúng ta không phải đồng nghiệp sao?”…

Bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi lại câu hỏi của ông lão ăn xin ở Mỹ xem: Chúng ta chẳng phải là đồng nghiệp sao?
Viết tới đây chợt nghĩ sẽ hợp lý nếu edit lại tiêu đề, chủ đề của bài viết này là Tản mạn về Nghiệp Quật. Lúc đầu tính để luôn chủ đề là Không chủ đề số 1 ấy. Suy đi, tính lại thì chả ai viết content và SEO viết kiểu như vầy cả. Nhưng không sao, đây là không gian mà Cương có thể tự do thể hiện và là chính mình. Chỉ mong là các “đồng nghiệp” và đồng âm không chê bai.


Thông tin thêm về một vài khái niệm dùng trong bài viết

  1. [1] Ba cõi sáu đường: Theo KINH BỒ ĐỀ ĐẠT MA QUÁN TÂM PHÁP, 3 Cõi chính là 3 Độc gồm có Tham, Sân và Si. Từ 3 Độc này tạo nên Nghiệp lành/ác mà luân hồi và thọ báo khác nhau 6 đường gồm Trời, Người, A-Tu-La, Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Súc Sanh.
  2. [2] Luân Hồi: Luân hồi là một vòng xoay của sinh ra, sống trên đời, chết, tái sinh không chỉ trong Đạo Phật, mà cũng theo những tôn giáo khác như Đạo Ấn, Đạo Bön, Đạo Kỳ Na, Đạo Sikh, và những tôn giáo khác của Ấn Độ. 
  3. THAM – SÂN – SI – MẠN – NGHI: theo Giáo lý Phật đây chính là cội rễ của cái gọi là “khổ”. Xem thêm Wiki.
  4. Bất khả tư nghì: Bất khả tư nghị (zh. bùkěsīyì 不可思議, sa. acintya, pi. acinteyya, ja. fukashigi), cũng đọc là tác bất khả tư nghị hoặc “nan tư nghị”, nghĩa là “không thể nào suy nghĩ bàn luận ra được”, vượt ngoài lý luận; câu này dùng để tả cái Tuyệt đối, chỉ có ai đạt giác ngộ mới biết. Cũng gọi ngắn là bất tư nghị (不思議). Bất khả tư nghị có thể hiểu là những hiện tượng siêu hình, những kinh nghiệm cá nhân không thể dùng ngôn ngữ thông thường để diễn tả được. xem thêm Wiki.
Giỏ hàng
Lên đầu trang